Thông tin từ đạo diễn Thanh Hiệp cho biết nghệ sĩ cải lương – danh ca Văn Hường, người được khán giả gọi với danh xưng \’Vua hài Vọng cổ\’ sau một thời gian lâm bệnh nặng đã qua đời vào lúc 19h ngày 7/12 tại nhà riêng ở TP Thủ Đức, hưởng thọ 90 tuổi.
Nghệ sĩ Văn Hường tên thật là Nguyễn Văn Hường, sinh 1934 tại xã Mỹ Thành (nay thuộc phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức, TPHCM). Từ nhỏ Văn Hường đã mê làm kép hát nên năm 15 tuổi, ông đã tìm cách làm quen sân khấu bằng việc đi bán hàng dạo tại rạp cải lương Nguyễn Văn Hảo (Nay là rạp Công Nhân đường Trần Hưng Đạo, quận 1). Từ đó Văn Hường đã làm quen nhiều nghệ sĩ, được giới thiệu tham gia vào vai diễn nhỏ.
Chân dung Văn Hương trong một CD với bài ca Tư Ếch đi hội chợ.
Nhờ có giọng ca tốt và khá lạ, Văn Hường đã được nhiều người chú ý đến, trong đó có NSND – soạn giả Viễn Châu.
Văn Hường với ngoại hình không được điển trai nhưng lại có lối ca vọng cổ khá khác biệt nên Viễn Châu đã nghĩ đến một phong cách mới cho Văn Hường. Lúc sinh thời, Văn Hường từng kể soạn giả Viễn Châu đã đưa ra quan điểm “tại sao bài vọng cổ có thể làm khán giả khóc mà không thể làm khán giả cười?”, để rồi chế tác ra thể loại mới là điệu vọng cổ hài, hài hước từ cách ca, ca từ và nội dung bài ca mang tính châm biếm đả kích thói hư, tật xấu của con người và xã hội.
Văn Hường chụp chung với NSND Lệ Thủy trong một lần nữ nghệ sĩ tới thăm ông.
Bài ca cổ hài đầu tiên mang tên Tư Ếch đi Sài Gòn do Viễn Châu soạn lời đã đưa Văn Hường được nhiều khán giả biết tới. Từ cơ duyên đó, soạn giả Viễn Châu sáng tác nhiều bài ca vọng cổ hài, khởi nguồn cho trào lưu này vào đầu thập niên 1960.
Nhờ tài năng của Viễn Châu mà Văn Hường đã lựa chọn đi theo xu hướng vọng cổ hài, ban đầu chỉ ca những bài ca do Viễn Châu soạn lời và sau này khi thành công, nhiều soạn giả khác cũng đã đi theo trào lưu này, gửi gắm sự lạc quan, lên án cái xấu, cái tiêu cực qua từng câu vọng cổ.
Giai đoạn những năm 1960-1970, Văn Hường đã thu âm hơn 200 bài vọng cổ hài và được gọi với danh xưng “Vua vọng cổ hài”. Đặc biệt hơn, từ những bài vọng cổ hài của Văn Hường, nhiều nghệ sĩ đã chọn ca theo xu hướng này để tạo nên một trường phái “vọng cổ hài” với nhiều giọng ca thành công tiếp theo như NSND Giang Châu, NSND Thanh Nam, NSƯT Phú Quý, Hề Sa, Văn Chí Mỹ, Linh Trung, Dũng Nhí…
Chân dung Văn Hường khi về già.
Sau ngày đất nước thống nhất, Văn Hường về tham gia một số đoàn cải lương và tiếp tục ca vọng cổ hài trên sóng phát thanh. Năm 1987, Văn Hường giã từ sân khấu, về lại ngôi nhà cũ mở quán đờn ca tài tử mang tên ông tại Long Thạnh Mỹ, Thủ Đức.
Tuy nhiên, Văn Hường vẫn đau đáu với nghệ thuật cải lương và ông đã có dự tính sưu tập và phát hành tuyển tập Vọng cổ hài, tổ chức cuộc thi riêng cho người yêu thích vọng cổ hài để quảng bá, tiếp tục làm cho thể loại này lan tỏa, thúc đẩy giới sáng tác trẻ viết và yêu thích vọng cổ hài.
Nhưng giấc mơ ấy của ông chưa thành thì ông đã ra đi, để lại nhiều tiếc thương cho giới sân khấu và khán thính giả mộ điệu.
Tang lễ của nghệ sĩ Văn Hường được tổ chức tại nhà riêng ở TP Thủ Đức, lễ nhập quan vào lúc 6h ngày 8/12, lễ động quan lúc 8h ngày 11/12, sau đó thi hài được hỏa táng tại nghĩa trang Phúc An Viên, TP Thủ Đức.