Đến nay, đã có 52 học sinh, trẻ em bị tử vong, 3 học sinh bị mất tích, 8 học sinh bị thương; 3 giáo viên tử vong, 1 giáo viên mất tích do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu bão.
Thông tin vừa được Bộ GD-ĐT báo cáo về thiệt hại do cơn bão số 3 và hoàn lưu bão đối với ngành giáo dục.
Bộ GD-ĐT cho hay, bão số 3 (Yagi) cùng hoàn lưu bão đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản đối với nhiều tỉnh miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng, ngành Giáo dục cũng chịu thiệt hại rất nặng nề.
Theo báo cáo từ các địa phương, nhiều giáo viên, học sinh bị tử vong và mất tích; nhiều công trình trường học bị sập, đổ, tốc mái; thiết bị dạy học, bàn ghế, sách vở bị nước cuốn trôi, hư hỏng nặng.
Thiệt hại nặng nề do bão và hoàn lưu bão gây ra
Bộ GD-ĐT cho biết, theo báo cáo của các địa phương, đến nay, có 52 học sinh, trẻ em bị tử vong, 3 học sinh bị mất tích, 8 học sinh bị thương; 3 giáo viên tử vong, 1 giáo viên mất tích.
Cụ thể, học sinh, trẻ em tử vong gồm các tỉnh: Cao Bằng (6 học sinh); Lào Cai (35 học sinh trong đó huyện Văn Bàn 1; huyện Si Ma Cai 2; huyện Bảo Yên 24; huyện Bát Xát 3; huyện Bắc Hà 5; Yên Bái (9 học sinh, trong đó huyện Lục Yên 2, Văn Chấn 1, Văn Yên 1, thành phố Yên Bái 4, THPT Hoàng Văn Thụ 1); Thái Nguyên (2 trẻ em).
Học sinh, trẻ em mất tích ở Lào Cai (1 học sinh lớp 5 Trường PTDTBT TH&THCS Ngải Thầu mất tích do sạt lở tại nhà; 2 trẻ em Trường Mầm non A Lù mất tích chưa liên lạc được do sạt lở).
Học sinh bị thương gồm các tỉnh: Quảng Ninh (1 học sinh tại Trường THCS Suối Khoáng – Cẩm Phả); Cao Bằng (1 học sinh lớp 2 tại Lũng Lỳ, Ca Thành); Lào Cai (6 học sinh của xã Phúc Khánh bị thương đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên).
Giáo viên bị tử vong và mất tích gồm các tỉnh: Cao Bằng (1 thầy giáo thiệt mạng và 1 cô giáo mất tích); Yên Bái (2 giáo viên thiệt mạng do sạt lở đất).
Bàn ghế, đồ dùng một trường học bị hư hỏng do mưa lũ. Ảnh: Trường Minh Chuẩn.
Bão và hoàn lưu bão cũng gây nhiều thiệt hại về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học.
Do mưa to và gió lớn nên nhiều cơ sở giáo dục ở các tỉnh, thành phố khu vực miền núi phía Bắc và Đông Bắc Bộ (gồm Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hải Dương) bị ngập nước sâu, phòng học bị tốc mái, nhiều công trình bị sập, đổ, vỡ kính; thiết bị dạy học, đồ dùng học tập của học sinh bị nước cuốn trôi, ướt hỏng.
Tuy nhiên, còn 99 trường/điểm trường ở 6 tỉnh vẫn chưa thể dạy học do nước chưa rút hết, gồm có: Lào Cai (83 trường/điểm trường), Cao Bằng (1 trường), Bắc Kạn (3 trường), Tuyên Quang (1 trường), Yên Bái (3 trường), Bắc Giang (8 trường).