Các địa phương cần chủ động tổ chức di dời, sơ tán khẩn cấp người dân ở khu vực thấp trũng, ven sông có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét đến nơi an toàn.

 

Tối ngày 1/10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công điện gửi ủy ban nhân dân các tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Phú Thọ về việc ứng phó lũ trên sông Thao.Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, lúc 18h00 ngày 01/10/2024, mực nước trên sông Thao tại Yên Bái ở mức 31,13m, trên báo động 2 là 0,13m; dự báo trong 06-12 giờ tới, lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục lên trên mức báo động 3 và có khả năng đạt đỉnh trong 12-24 giờ tiếp theo, sau xuống và ngập lụt ở trên mức báo động 3; nguy cơ gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi tại tỉnh Lào Cai, Yên Bái.

Mưa lớn, nhiều khu vực lại nguy cơ cao ngập úng.

Để chủ động ứng phó với diễn biến, ảnh hưởng của lũ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các Bộ, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động phòng, tránh.

Chủ động tổ chức di dời, sơ tán khẩn cấp người dân ở khu vực thấp trũng, ven sông có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét đến nơi an toàn.Bố trí lực lượng kiểm tra, rà soát; tổ chức canh gác, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Thông báo cho các chủ lồng bè; chủ đầu tư có công trình đang xây dựng ven sông; các chủ phương tiện vận tải thuỷ, khai thác khoáng sản biết thông tin về mưa, lũ để chủ động có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, lồng bè, phương tiện, thiết bị và công trình.

 

 

Triển khai phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn đê điều. Tổ chức vận hành và triển khai phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, công trình đang thi công; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

Chỉ đạo đài phát thanh, truyền hình địa phương tăng cường thông tin về diễn biến mưa lũ đến người dân và các cấp chính quyền để chủ động phòng tránh; cơ quan chuyên môn phối hợp với đài truyền hình địa phương, các cơ quan thông tin truyền thông, nhất là tại cơ sở tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân chủ động ứng phó để giảm thiểu thiệt hại.

TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho biết, trong vòng 24 giờ qua, tính từ 19h (30/9-1/10) các tỉnh miền núi và Trung du phía Bắc đã nhận một lượng mưa rất lớn.

Cụ thể lượng mưa ở Yên Bái có nơi đạt 339mm (tại Mỏ Vàng), các địa phương như Hà Giang, Bắc Cạn, Lào Cai, Hòa Bình, phía Tây Thanh Hóa, có lượng mưa phổ biến trên 120mm, và nhiều trạm đo ghi nhận lượng mưa lớn hơn 200mm.

 

 

Đây là lượng mưa rất lớn trong bối cảnh nhiều quả đồi ở miền núi và trung du phía Bắc có kết cấu yếu, nhão, như bùn và nặng khiến nguy cơ bị sạt trượt rất cao. Sạt trượt có thể xảy ra ở các quả đồi có góc nghiêng không cao, chỉ khoảng 30 độ trở lên vẫn có nguy cơ trượt cả mảng đồi lớn, người dân sống ở các khu vực này cần đề cao cảnh giác để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/lu-song-thao-len-rat-nhanh-canh-bao-ngap-lut-3-tinh-phia-bac-169241001205731953.htm

By admins