Dáng đi lật khật, anh Trần Quốc Việt (xóm 9, Vũ Tây, Kiến Xương, Thái Bình) dẫn tôi ra phía sau nhà.
Phía trái ngôi nhà chính như một thế giới khác, không có dấu chân người, ẩm ướt, âm u và rậm rạp.
Núp sau những tán cây bạch đàn đổ nghiêng ngả, những cây xoài um tùm, là một ngôi nhà mái bằng xây dở và một ngôi nhà cấp 4 sụp mái, tạo nên vẻ hoang tàn đổ nát.
Giữa sân gạch rêu mốc, trơn trượt, là cây hương nhỏ, lạnh lẽo khói hương, lâu lắm không ai chăm sóc. Cách bức tường gạch, cạnh bờ ao, trong vườn, là ngôi miếu nhỏ nữa cũng lạnh lẽo rêu mốc.
Bố đẻ anh Việt là ông Trần Văn Rạng và mẹ đẻ là bà Nguyễn Thị Đào. Ông bà đẻ tới 8 người con, gồm 4 trai, 4 gái. Ông bà làm nông nghiệp, nên con cái cũng chỉ có được miếng ăn mà lớn, chứ chẳng được học hành gì nhiều. Cả đời ông bà gắng sức quần quật nuôi con, rồi lần lượt dựng vợ gả chồng cho 8 người con. Một người con trai bỏ xứ vào Nam lập nghiệp, anh Việt làm bảo vệ cho một công ty nhà nước ở thành phố Thái Bình. Người anh cả và và thứ 3 ở tại mảnh đất này với ông Rạng bà Đào. Mấy người con gái cũng đi lấy chồng cả. Cô lấy chồng trong mãi Tây Nguyên, cô lấy chồng ở xã khác, xóm khác.
Dù con cái chỉ làm nông nghiệp, gắn bó với cây lúa, củ khoai, song do chắt chiu tích cóp, nên những người con của ông bà cũng dần ổn định cuộc sống, xây dựng, sửa sang được nhà cửa.
Người con cả Trần Văn Viết được ông bà Rạng chia cho mảnh đất trước ngôi nhà ngói ông bà ở. Vợ chồng anh Viết đã dựng một ngôi nhà dù là cấp 4, song rộng rãi khang trang, tường bao quây kín. Sau này, khi anh Viết qua đời, cả nhà gặp họa, thì ngôi nhà bỏ hoang. Nhà cửa thiếu hơi người, ẩm mốc, mối mọt, mấy trận bão giật thổi bay mái, đổ sập, chỉ còn là dấu tích với đống đổ nát ngổn ngang.
Cậu con trai thứ 3, tên là Trần Văn Út, sau khi lấy vợ vài năm, sinh con đẻ cái, tích cóp được ít tiền, đã xin bố mẹ cho ra ở riêng. Đất đai rộng rãi, nên ông bà Rạng đã cắt một mảnh rộng chừng 200 mét vuông, phía sau về bên trái ngôi nhà của ông bà cho cậu con tưởng là út ít, ai dè chỉ là thứ 3.
Có đất rồi, anh Trần Văn Út dựng tạm một ngôi nhà cấp 4 nho nhỏ, chỉ cỡ 30 mét vuông ở tạm. Ngôi nhà ngay bên bờ ao, phía trước nhà là cái miếu nho nhỏ, giống như cây hương trước nhà. Lịch sử ngôi miếu nhỏ này cũng rất sáng rõ, đó chỉ là ngôi miếu của gia đình, do thế hệ trước dựng nên.
Để hiểu rõ về ngôi miếu này, phải nắm được ngôi miếu ở phía bên kia cái ao nhà ông Rạng. Đó là ngôi miếu do các cụ nhà ông Rạng, cùng một số người dân trong làng dựng nên, gọi là miếu Thần Linh.
Ngôi miếu Thần Linh vốn thờ 3 mẹ con người ăn mày. Hồi năm 1945, tình trạng chết đói diễn ra khắp vùng quê lúa. Năm đó, có 3 mẹ con ăn mày lang thang đến ngôi làng này xin ăn. Dân làng cũng đói nên họ chẳng xin được gì. Bụng đói cồn cào, nên cậu con của bà ăn mày trèo lên cây sung lớn ngả ra bờ ao để hái sung ăn. Tuy nhiên, chưa hái được quả sung nào, thì cậu bé trượt chân, ngã xuống ao. Người anh thấy vậy liền nhảy xuống ao cứu em. Tuy nhiên, ao sâu nước cả, hai anh em dần dần chìm nghỉm xuống nước. Người mẹ dù đói lả, không nhấc nổi chân, nhưng thấy 2 con chìm dưới dòng nước, liền gắng sức nhảy xuống. Rốt cục, cả 3 mẹ con đã chết đuối dưới ao.
Người dân trong xóm thương xót, đã vớt 3 mẹ con lên, bó chiếu chôn cất cẩn thận ngay bờ ao. Năm đói trôi qua, người dân trong làng may mắn ít người phải chết đói. Nghĩ rằng, do 3 mẹ con ăn mày phù hộ, dân làng mới không chết đói, nên đã dựng một ngôi miếu nhỏ để thờ. Gia đình ông Rạng vừa giữ vai trò chủ trì, vừa đóng góp chính xây dựng ngôi miếu.