TP HCM–Tòa cho rằng bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lợi dụng kẽ hở trong việc phát hành trái phiếu, thanh toán quốc tế để lừa tiền trái chủ, chuyển hàng trăm nghìn tỷ qua biên giới, rửa tiền.
TAND TP HCM đã tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan mức án tù chung thân về 3 tội danh: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, hôm 17/10. Với vai trò đồng phạm, 33 bị cáo khác bị phạt 2-23 năm tù.
HĐXX xác định toàn bộ tiền chiếm đoạt 30.081 tỷ đồng từ việc phát hành trái phiếu đều được Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sử dụng vào mục đích cá nhân, nên bà này phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại. Tòa tiếp tục kê biên các tài sản của bà Lan và gia đình, có liên quan đến hành vi sai phạm, để đảm bảo cho việc thi hành án.
Cùng với việc đưa ra phán quyết về trách nhiệm hình sự, dân sự, tòa cũng kiến nghị hàng loạt vấn đề bất cập, lỗ hổng pháp lý, để các cơ quan chức năng điều chỉnh, ngăn ngừa tội phạm trong tương lai.
‘Lỗ hổng’ giúp bà Trương Mỹ Lan chuyển trái phép 489.000 tỷ đồng
Theo HĐXX, các bị cáo đã lợi dụng việc thực hiện thanh toán quốc tế và quản lý ngoại hối tại SCB để phạm tội rửa tiền (445.747 tỷ đồng) và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới(4,5 tỷ USD – tương đương 106.730 tỷ đồng). Do đó, tòa kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng và các cơ quan có thẩm quyền khác tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định trong lĩnh vực chuyển tiền quốc tế.
Các cơ quan tố tụng xác định, SCB đã gửi Cục Phòng chống rửa tiền thuộc cơ quan thanh tra Ngân hàng Nhà nước 3.160 tài liệu báo cáo về hơn 313.700 giao dịch (trên 1.000 USD) chuyển đi, nhận về với tổng số tiền hơn 489.000 tỷ đồng – tương đương 22,2 tỷ USD và 151 báo cáo giao dịch đáng ngờ.
Cục Phòng chống rửa tiền có vai trò tiếp nhận thông tin, báo cáo từ các tổ chức theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền và các thông tin khác nghi ngờ liên quan đến rửa tiền, hoặc tội phạm khác liên quan đến rửa tiền; phân tích, xử lý báo cáo, thông tin nghi ngờ liên quan đến hành vi phạm pháp này.
Theo quy định tại khoản 2 và 3 Điều 20 Nghị định 116/2013 của Chính phủ, cơ sở để xác định giao dịch chuyển tiền điện tử liên quan đến hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố là: các giao dịch liên quan đến tổ chức, cá nhân nằm trong “danh sách đen” (bị điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan chức năng của Việt Nam và của quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới); nằm trong danh sách cảnh báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới…
Trong khi đó, trước thời điểm khởi tố vụ án về sai phạm tại Vạn Thịnh Phát (ngày 7/10/2022), có 85 công ty thuộc tập đoàn này chuyển tiền ra nước ngoài và 63 công ty nhận tiền từ nước ngoài chuyển về đều không thuộc các trường hợp nêu trên. Vì vậy, Cục Phòng chống rửa tiền không có cơ sở để xác định trong số hơn 313.700 giao dịch chuyển tiền điện tử có giao dịch liên quan đến hoạt động rửa tiền, vận chuyển tiền của các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Còn với 151 báo cáo giao dịch đáng ngờ của SCB gửi Cục cũng không có danh sách các công ty trên, nên Cục không có cơ sở để phân tích, nghi ngờ đối với việc chuyển tiền của nhóm các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Đối với Vụ Quản lý ngoại hối (thuộc Ngân hàng Nhà nước), theo cơ quan điều tra, căn cứ vào các quyết định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan này, thì Vụ không có chức năng kiểm tra, thanh tra hoạt động ngoại hối của các tổ chức, cá nhân nói chung cũng như giao dịch ngoại hối chuyển tiền ra nước ngoài và về Việt Nam nói riêng. Quá trình theo dõi số liệu tổng hợp của SCB cung cấp, Vụ Quản lý ngoại hối không có cơ sở để phát hiện sự bất thường đối với số liệu tổng hợp về tiền ra nước ngoài và nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam.
Thiếu quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ
Theo HĐXX, trong giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lợi dụng quy định của pháp luật về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ – tức không cần niêm yết trên sàn chứng khoán. Điều này đã dẫn đến việc không thuộc thẩm quyền giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, từ đó gây ra những vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc huy động và chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng của 35.824 nhà đầu tư.
Do đó, tòa kiến nghị Bộ Tài chính, Ủy Ban chứng khoán Nhà nước tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; đảm bảo chặt chẽ về các điều kiện phát hành trái phiếu, có biện pháp kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn huy động và nguồn lực đảm bảo nghĩa vụ thanh toán cho các trái chủ.
Đối với các mã trái phiếu ngoài vụ án như Vạn Trường Phát, Bông Sen, Tân Thành Long An, Quang Thuận (mã QT.H2025)… tòa kiến nghị Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI), Ngân hàng SCB và các Công ty phát hành trái phiếu có phương án thanh toán nợ gốc và lãi cho các nhà đầu tư.
Đồng thời, HĐXX cũng kiến nghị Bộ Tài chính, Ủy Ban chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội có biện pháp giám sát, đôn đốc việc thực hiện thanh toán nghĩa vụ các gói trái phiếu trên theo quy định của pháp luật.
Ngăn chặn tình trạng thành lập doanh nghiệp tràn lan
Cũng từ thực tế vụ án còn cho thấy các bị cáo đã thành lập hàng nghìn công ty ma, không hoạt động thực tế để chạy dòng tiền khống và thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, tòa án kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan có thẩm quyền tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định về việc thành lập doanh nghiệp, nhằm bảo đảm các điều kiện thành lập doanh nghiệp được thực hiện một cách chặt chẽ.
Điều này không chỉ giúp kiểm soát việc thành lập và quản lý doanh nghiệp mà còn ngăn chặn tình trạng thành lập doanh nghiệp tràn lan.
Hải Duyên
NGUỒN: https://vnexpress.net/cac-ke-ho-trong-vu-an-ba-truong-my-lan-4806056.html