Mới đây, Bệnh viện K đã thành công phẫu thuật cắt bỏ khối u trung thất sau vùng ngực – bụng lớn cho bệnh nhân Nguyễn Hữu P (43 tuổi, trú tại Hà Tĩnh). Đây là một ca phẫu thuật phức tạp, có thể gặp nhiều rủi ro, đặc biệt là nguy cơ mất máu. Hình ảnh phim chụp khối u trung thất của bệnh nhân P. Ảnh: BVCC
Theo đó, bệnh nhân P nhập viện trong tình trạng đau tức ngực và bụng nhiều ngày. Qua thăm khám và chụp cắt lớp vi tính, các bác sĩ xác định bệnh nhân có khối u kích thước 15x20cm nằm ờ vùng trung thất sau lan xuống ổ bụng, cực trên u ngang mức D6-7, cực dưới u ngang mức động mạch thận phải, dính sát vào tĩnh mạch chủ dưới, động mạch chủ bụng và thùy dưới phổi phải. Kết quả giải phẫu bệnh của bệnh nhân P là u schwannoma.
Đánh giá đây là một ca khó vì u rất to lan xuống vùng bụng, liên quan với các mạch máu lớn vùng ngực bụng, TS.BS Nguyễn Khắc Kiểm, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực cùng các bác sĩ trong khoa đã hội chẩn với sự tham gia của PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện K để xin ý kiến về việc phối hợp thăm dò đánh giá liên quan của khối u vùng bụng và chỉ định phối hợp điều trị khi cần thiết. Bệnh nhân đã được chỉ định thuật thăm dò ổ bụng, trong quá trình phẫu thuật thăm dò đánh giá khối u nằm trên cơ hoành, đè đẩy cơ hoành và tĩnh mạch chủ dưới.
Cùng với đó, TS Nguyễn Khắc Kiểm cũng đã xin hội chẩn với GS Đoàn Quốc Hưng là một trong những Giáo sư đầu ngành về lồng ngực để đưa ra phương hướng điều trị phẫu thuật an toàn nhất cho bệnh nhân.
Với mong muốn quyết tâm điều trị bệnh của bệnh nhân và gia đình, đầu tháng 10/2023, GS Đoàn Quốc Hưng, PGS.TS Phạm Văn Bình cùng ekip phẫu thuật khoa phẫu thuật lồng ngực Bệnh viện K đã quyết định tiến hành phẫu thuật lấy u cho bệnh nhân qua đường mở ngực sau bên.
Đánh giá sau mở ngực, khối u choán toàn bộ phẫu trường, dính chặt vào thành ngực sau bên, cực trên u dính vào thùy dưới phổi phải, u nằm trên và đè đẩy cơ hoành, rất khó đánh giá mặt trong và cực dưới của u. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 3 tiếng, quá trình phẫu tích khối u rất khó khăn vì u to, vị trí u dính tĩnh mạch chủ dưới nguy cơ rách tĩnh mạch phẫu tích vô cùng khó khăn, phẫu tích diện u dính thành ngực sau bên và dính thùy dưới phổi phải khó khăn và chảy nhiều máu.
Nhiều vị trí chảy máu nằm sát và trên cơ hoành nên việc cầm máu là rất khó khăn do tính chất di động của cơ hoành. Bệnh nhân đã được các bác sĩ gây mê bồi phụ thể tích tuần hoàn bằng dịch truyền, khối hồng cầu và plasma trong suốt quá trình phẫu thuật.
Khối u trung thất đã được lấy bỏ hoàn toàn bởi các bác sĩ chuyên khoa lồng ngực, tránh được những tai biến nguy hiểm có thể xảy ra với bệnh nhân.
Trải qua ca phẫu thuật với thời gian dài, cùng với sự chăm sóc hậu phẫu, động viên tinh thần của các bác sĩ và điều dưỡng khoa phẫu thuật lồng ngực, sức khỏe của bệnh nhân P tiến triển và hồi phục rất nhanh chóng. Hiện bệnh nhân P chỉ còn đau nhẹ vết mổ, không còn đau tức bụng, anh đã tự dậy đi lại, tập ho và hít thở, ăn uống bình thường.