Giá vàng hôm nay, 22-10: Tăng mạnh rồi đột ngột ‘bốc hơi’
Giá vàng hôm nay diễn biến khó lường trong bối cảnh nhà đầu tư chốt lời, đồng USD tăng giá, lãi suất trái phiếu Mỹ đi lên…
Báo Người Lao động ngày 22/10 đưa thông tin với tiêu đề: “Giá vàng hôm nay, 22-10: Tăng mạnh rồi đột ngột ‘bốc hơi’” cùng nội dung như sau:
Đêm qua, giá vàng thế giới có lúc lên tới 2.740 USD/ounce nhưng sau đó bất ngờ đảo chiều giảm mạnh. Đến 6 giờ ngày 22-10, giá vàng hôm nay xuống còn 2.720 USD/ounce.
Theo giới phân tích, thị trường vàng quốc tế biến động dữ dội trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư bán ra thu về lợi nhuận. Giá vàng hôm nay sau nhiều ngày tăng nóng buộc phải đi xuống.
Mặt khác, chỉ số USD Index tăng lên 104 điểm, giúp đồng USD tăng giá so với 6 đồng tiền mạnh khác, gồm: Euro, JPY (Yen Nhật Bản), GBP (bảng Anh), CAD (đô la Canada), SEK (Krona Thụy Điển) và CHF (Franc Thụy Sỉ). Do vậy, vàng trở nên đắt hơn đối với người mua ở bên ngoài nước Mỹ
Trong khi đó, lãi suất trái phiếu Mỹ tăng lên 4,1% – mức cao nhất trong 3 tháng qua. Nghĩa là giá trị trái phiếu sụt giảm, thúc đẩy nhà đầu tư bán vàng, dịch chuyển vốn vào trái phiếu. Giá vàng hôm nay đương nhiên sụt giảm.
Daniel Pavilonis – nhà phân tích tại RJO Futures nhận định lãi suất trái phiếu tăng cao, chỉ số USD Index đi lên đang gây áp lực lên thị trường vàng.
Vàng, vốn được coi là hàng rào góp phần chống lại sự bất ổn về chính trị – kinh tế, đã tăng hơn 31% kể từ đầu năm 2024 đến nay. Giá vàng cũng phá vỡ nhiều kỷ lục khi động thái cắt giảm lãi suất của Mỹ kết hợp với nhu cầu trú ẩn vốn an toàn tạo nên cơn bão trên thị trường.
Tại Việt Nam, giá vàng SJC ngày 21-10 lên tới 88 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn lập kỷ lục mới với 88 triệu đồng/lượng.
Tiếp đến, báo Lao Động ngày 21/10 cũng có bài đăng với thông tin: “Chuyên gia dự báo tích cực về giá vàng ngắn hạn”. Nội dung được báo đưa như sau:
“Tôi lạc quan về giá vàng trong tuần này”, Colin Cieszynski – Trưởng nhóm chiến lược thị trường tại SIA Wealth Management cho biết.
“Đợt tăng giá hiện tại có vẻ không ngừng nghỉ dù không có sự kiện đáng chú ý nào. Điều quan trọng nhất đối với vàng là đợt tăng giá này được thúc đẩy bởi sự đánh giá chung với tất cả các loại tiền tệ chứ không chỉ riêng USD. Tuần qua, một đợt tăng đột biến đã được châm ngòi bởi việc cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB)”.
Đồng quan điểm Marc Chandler – Giám đốc điều hành tại Bannockburn Global Forex – cho biết, nhìn chung giá vàng vẫn có đà tăng.
“Vàng đã đạt mức cao nhất mọi thời đại. Căng thẳng ở Trung Đông vẫn ở mức cao và hội nghị thượng đỉnh BRICS sắp tới làm nổi bật nhu cầu của ngân hàng trung ương đối với kim loại quý.
Cuộc bầu cử của Mỹ đang trở nên rõ ràng hơn. Mặc dù vẫn là một cuộc cạnh tranh gay gắt, nhưng nếu ông Donald Trump chiến thắng sẽ có thể hỗ trợ cho giá vàng” – Marc Chandler cho biết.
Đồng quan điểm, Adam Button – Giám đốc chiến lược tiền tệ tại Forexlive.com; James Stanley – chiến lược gia thị trường cấp cao tại Forex.com và Mark Leibovit – nhà xuất bản của VR Metals/Resource Letter cho rằng giá vàng sẽ tăng cao hơn vào tuần này.
James Stanley nhận định: “Có rất ít lý do để nghi ngờ xu hướng hiện tại, đặc biệt là sau khi những người đầu cơ giá lên liên tục thể hiện ấn tượng, ngay cả khi USD tăng mạnh”.
Mark Leibovit cho biết: “Tiếp tục theo xu hướng tăng, đặc biệt tuần này có cuộc họp của BRICS”.
Trong khi đó, Sean Lusk – đồng giám đốc phòng ngừa rủi ro thương mại tại Walsh Trading – cho biết đang theo dõi thị trường và tự hỏi điều gì có thể ngăn cản đà tăng của vàng thời điểm này. Chuyên gia này cho biết, sự cố năng lượng, đồng USD tăng mạnh và cả diễn biến cổ phiếu tuần qua đều “không quan trọng” trước đà tăng bứt phá của vàng.
Ricardo Evangelista – chuyên gia phân tích cấp cao tại ActivTrades – nhận thấy một môi trường hỗ trợ tích cực cho kim loại quý. “Mặc dù khó xác định được một động lực duy nhất đằng sau mức tăng 2% của kim loại quý trong tuần qua, nhưng rõ ràng đang có một số yếu tố đang tác động.
Bất ổn địa chính trị, tăng trưởng kinh tế chậm chạp ở các khu vực trọng điểm, sự thay đổi trong chính sách của ngân hàng trung ương theo hướng giảm lãi suất và gần đây nhất là sự không chắc chắn xung quanh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đều đã góp phần khiến giá vàng phá đỉnh” – ông cho biết.
Kevin Grady – Chủ tịch của Phoenix Futures and Options – cho biết, diễn biến của vàng phù hợp với môi trường hỗ trợ chung đã hình thành trong những tháng gần đây.
“Tôi nghĩ rằng lãi suất sẽ giảm và vàng đã sẵn sàng cho những con số cao hơn. Mọi người đang mua vào khi giá xuống, điều này có lợi cho xu hướng tăng giá của vàng. Mọi người chỉ thích tham gia giao dịch khi lãi suất giảm. Tôi nghĩ giá sẽ cao hơn và thử nghiệm mức 3.000 USD/ounce trong quý đầu tiên hoặc lâu hơn”.
Grady cũng kỳ vọng hội nghị thượng đỉnh BRICS vào tuần tới sẽ đóng vai trò là động lực thúc đẩy giá vàng trong ngắn hạn, vì thông báo của họ có khả năng gây tổn hại đến đồng USD, từ đó thúc đẩy kim loại quý.
Grady cho biết chìa khóa để hiểu được động thái giá vàng có bền vững hay không, ngay cả ở mức chưa từng có này, là biết ai đang thúc đẩy diễn biến giá.
“Rõ ràng là có những nhà đầu cơ trên thị trường. Nhưng tôi cho rằng người mua cơ bản là các ngân hàng trung ương, và điều đó sẽ không thay đổi”.
Alex Kuptsikevich – nhà phân tích thị trường cấp cao tại FxPro – đang xem xét hiệu suất trong tuần trong bối cảnh giá vàng tăng mạnh. Chuyên gia này lưu ý rằng, thị trường hiện đang trải qua “sự kết hợp rất bất thường” của các đợt tăng giá đồng thời của USD và vàng.
“Thông thường chúng thường di chuyển theo hướng ngược nhau và chỉ di chuyển cùng nhau trong thời kỳ nhu cầu về tài sản phòng thủ tăng cao, ví dụ như do địa chính trị”, ông nói.
Nhà phân tích cấp cao của Kitco Jim Wyckoff dự kiến giá vàng sẽ tăng thêm vào tuần này. “Giá vàng sẽ tăng cao hơn trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và các yếu tố kỹ thuật tăng giá” – ông cho biết.