– Tảo mộ là phong tục truyền thống của người Việt nhất là dịp cuối năm con cháu quây quần nhưng có những đối tượng không nên đi tảo mộ
Trong phong tục Việt Nam, tảo mộ là một nét đẹp thể hiện biết ơn tổ tiên, uống nước nhớ nguồn. Thế nên người Việt thường dẫn nhau đi tảo mộ. Có 2 dịp tảo mộ đông đúc là Thanh minh và cuối năm đón Tết nguyên đán. Tảo mộ là mang lễ lạt đi thắp hương cúng tế ở mộ phần người thân đã mất, xem xét lại mộ phần, lau dọn phát quang cỏ, kiểm tra xem có dấu hiệu bất thường cần sang sửa mộ phần không. Với một số nơi tảo mộ cũng là dịp ra báo cáo với tổ tiên đã khuất thành viên mới của gia đình, chỉ cho thành viên mới của gia đình mộ phần ông bà cụ cố để biết.
Thế nhưng theo quan niệm người xưa và kinh nghiệm dân gian thì những đối tượng dưới đây tránh đi tảo mộ, để tránh những điều xui xẻo và họa ốm đau:
Phụ nữ có thai, đang nuôi con bú
Những phụ nữ có thai, đang nuôi con nhỏ sức khỏe còn yếu nên không nên ra những khu hoang vắng âm khí mạnh như nghĩa trang nghĩa địa. Khi âm lạnh có thể xâm nhập vào người gây hại cho mẹ và con. Do đó những người phụ nữ này đi tảo mộ có thể ốm đau triền miền xui xẻo, trẻ sợ hãi quấy khóc, chậm phát triển. Địa hình nơi nghĩa trang nghĩa địa cũng thường không thuận lợi cho phụ nữ có thai nên có thể sơ sẩy trượt chân mà sinh non, sảy thai rồi từ đó lại nảy sinh nhiều điều dị nghị thêu dệt xui xẻo không tốt trong gia đình.
Phụ nữ kỳ kinh
Phụ nữ vào chu kỳ kinh nguyệt là khí âm thịnh, khí dương giảm nên rất không hợp khi đi tảo mộ. Họ sẽ dễ bị tà khí xâm nhập vào cơ thể gây hại. Hơn nữa quan niệm xưa phụ nữ kỳ kinh không sạch sẽ nên khi đi tảo mộ thắp hương, nếu sơ sểnh có thể bị ông bà tổ tiên quở trách gây đại kỵ.
Người đang ốm yếu, đang điều trị bệnh
Những người ốm yếu thể trạng kém mà đi tảo mộ có thể khiến sức khỏe suy kiệt nhanh hơn, có thể nhiễm bệnh nặng và khó điều trị, thậm chí có thể qua đời sớm hơn. Do đó những người này nên tránh nơi âm khí, tới nơi dương khí để dưỡng sức khỏe dưỡng bệnh.
Người già
Người già từ 70 cũng không nên đi tảo mộ. Phần vì sức khỏe yếu đi đứng không nhanh nhẹn, địa hình nghĩa trang có thể khiến họ ngã. Hơn nữa âm khí nghĩa địa nặng mà người già thì dương khí đã giảm nên dễ bề ốm đau. Tuổi tác khi sau 70 cũng hay nghĩ về tổ tiên về cái chết nên việc đi tảo mộ có thể không mang lại điềm may mắn trong gia đình. Vì thế người già cũng nên ở nhà.
Những người để tang chồng chưa hết 3 năm
Thời xa xưa có quan niệm để tang 3 năm, mộ chồng xanh cỏ, khô mộ thì người muốn tái giá mới được tái giá. Vì thế phụ nữ trong 3 năm đầu chồng chết không nên đi tảo mộ vì có thể gây thị phi dị nghị và có thể khó tái giá về sau.
Tuy nhiên thời nay quan niệm cũng có khác đi nên cũng tùy theo tình hình gia đình và quan niệm từng địa phương mà những người này có đi tảo mộ hay không. Có người thương nhớ chồng thì họ vẫn đi tảo mộ thắp hương thăm chồng là bình thường.
Trẻ nhỏ dưới 3 tuổi
Trẻ còn sức khỏe yếu nên không nên tới nơi nghĩa địa âm u âm khí nặng nề dễ bị bắt bía. Hơn nữa trẻ quá nhỏ cũng không chưa biết gì về tập tục này nên cũng không cần thiết phải cho trẻ nhỏ đi. Trẻ nhỏ ra nghĩa trang tảo mộ không biết có thể xảy ra những việc không hay như tè bậy, giẫm, động vào đồ lễ đang thắp hương trên mộ. Điều đó có thể vô tình khiến trẻ bị quở trách mà ốm đau, ngủ mơ, thấy ác mộng. Do đó tốt nhất không cho trẻ quá nhỏ đi tảo mộ.
Con rể không đi tảo mộ
Theo quan niệm người xưa dâu con rể khách, tức là chàng rể chỉ là khách. Việc cúng bái tổ tiên phải là do con trai và con dâu lo liệu. Việc cúng tế chủ tế phải là do con trai. Do đó thời xưa quan niệm con rể không đi tảo mộ. Tuy nhiên ngày nay với nhiều địa phương việc tảo mộ còn là giới thiệu với ông bà tổ tiên về thành viên mới như con dâu con rể, hơn nữa còn là để dâu rể biết mộ phần của dòng họ. Thế nên quan niệm này ngày nay cũng tùy thuộc theo từng gia đình và từng địa phương.
*Thông tin mang tính tham khảo chiêm nghiệm