Công nhân mất việc liên tục trả phòng về quê, kinh doanh ế ẩm, nhiều chủ trọ tại phường Tân Tạo, quận Bình Tân như \’ngồi trên đống lửa\’.

Dọc theo con hẻm 58 đường số 5, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, nơi được mệnh danh là thủ phủ nhà trọ ở TP.HCM, bầu không khí ảm đạm bao trùm cả khu trọ. Thỉnh thoảng, một vài chủ trọ với gương mặt ủ rũ lại mang tấm biển “Cho thuê phòng trọ” ra treo trước nhà.

Giảm giá cũng không ai thuê

Đồng hồ chỉ qua 12 giờ, bà Trần Thị Thuật (90 tuổi) vẫn ngồi nán lại bên tiệm tạp hóa nhỏ, mong ngóng từng người khách lạ ghé thuê phòng. Dãy trọ của bà Thuật có 42 phòng, giá mỗi phòng dao động 800.000-900.000 đồng/tháng nhưng hiện có trên 10 phòng trống.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, trong tháng 7-2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP đã tiếp nhận 17.729 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 18.469 trường hợp, tiếp nhận 55.147 lượt người lao động đến tìm kiếm việc làm.

Riêng Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, TP.HCM, trong tháng 7-2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP đã giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cho hơn 4.000 người lao động thôi việc trong đợt từ cuối tháng 6.

“Hơn 20 năm kinh doanh nhà trọ, đây là lần đầu tiên gia đình tôi gặp tình trạng như thế này. Lúc trước, khách thuê đông lắm, nhiều người phải đặt cọc trước để giữ chỗ. Còn bây giờ có giảm giá cũng không ai thuê” – bà Thuật buồn bã kể.

Tiệm tạp hóa nhỏ của bà trước đây công nhân thường xuyên lui tới mua thực phẩm. Bây giờ người ít, chi tiêu thắt chặt, sáng giờ bà chỉ bán được hai quả trứng với mấy ngàn nước đá. Danh sách những người mua nợ ghi chật cuốn sổ, trong đó có những người bà không còn nhớ mặt.

“Kinh doanh ế ẩm mà tháng nào cũng chi tiền sửa chữa, bảo dưỡng phòng trọ, tiền thuế, tiền lãi ngân hàng… Cứ mãi thế này thì các chủ trọ sống dở chết dở” – bà Thuật chép miệng.

Còn bà Nguyễn Thị Tám (53 tuổi) ở gần đó có 20 phòng cho thuê nhưng có đến chín phòng trống. Hôm qua, nhà trọ của bà vừa có thêm hai công nhân trả phòng trọ, về quê.

Theo bà Tám, ngày trước không ít người đua nhau vay tiền mở nhà trọ, kinh doanh chưa được bao lâu thì gặp đại dịch COVID-19 rồi đến đợt cắt giảm công nhân. Có nhiều người ở đây hơn chục năm vẫn trả phòng trọ, về quê hoặc đi nơi khác mưu sinh. Bây giờ nhiều chủ trọ rao bán cả khu trọ, giảm nửa giá cũng không ai mua.

Gần nửa số phòng ở dãy trọ của chị Nguyễn Thị Hoa trong tình trạng đóng cửa nhiều tháng do công nhân trả phòng, về quê. Ảnh: VÕ THƠ

Gần nửa số phòng ở dãy trọ của chị Nguyễn Thị Hoa trong tình trạng đóng cửa nhiều tháng do công nhân trả phòng, về quê. Ảnh: VÕ THƠ

Không chỉ riêng các chủ trọ tại TP.HCM, chị Nguyễn Thị Hoa (37 tuổi, chủ dãy trọ tại phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên, Bình Dương, nằm cách Công ty TNHH Phồn Vinh khoảng 300 m) nhìn về dãy trọ im lìm đã hơn tháng không có ai thuê, gương mặt không giấu được buồn rầu.

Chị Hoa kể giá phòng giảm còn 700.000 đồng/tháng nhưng phòng cứ trống dần, công nhân bỏ về quê hết, chẳng có ai hỏi thuê. Gần một tháng nay, dãy trọ có 44 phòng nhưng trống 21 phòng rồi. Chị Hoa chỉ mong có thể cầm cự qua được giai đoạn này chứ không hy vọng lời lãi gì.

Sống thắt lưng buộc bụng

Trong căn phòng trọ chật hẹp, vợ chồng anh Cao Văn Đạt (33 tuổi, công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, TP.HCM) cùng hai con trai sinh sống. Kể từ khi cắt giảm lao động, vợ anh ở nhà chăm con, mọi gánh nặng kinh tế gia đình đè lên vai anh.

“Tổng chi phí thuê trọ khoảng 1,3 triệu đồng nhưng kể từ khi vợ thất nghiệp, tôi bị cắt giờ làm, chúng tôi phải thắt lưng buộc bụng mới không vay mượn. Không có tiền cho con đi nhà trẻ nên tôi ở nhà phụ vợ chăm con chứ không đi làm thêm. Sắp tới, nếu bị sa thải thì chúng tôi sẽ đưa con về quê, rau cháo sống qua ngày cũng hạnh phúc” – anh Đạt cười nói.

Anh Phạm Thành Lũy tranh thủ những lúc không đi làm, chạy xe ôm công nghệ để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: VÕ THƠ

Anh Phạm Thành Lũy tranh thủ những lúc không đi làm, chạy xe ôm công nghệ để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: VÕ THƠ

Cạnh phòng trọ của anh Đạt, anh Nguyễn Văn Hoàn (32 tuổi) ngồi trông con hộ chị hàng xóm. May mắn không nằm trong danh sách cắt giảm lao động nhưng lúc nào anh cũng nơm nớp lo sợ bị sa thải bất ngờ.

“Ngày trước bạn bè tôi ở đây rất nhiều, tối nào cũng tụ tập nói chuyện đông vui lắm. Từ khi có đợt cắt giảm lao động lịch sử, họ lần lượt về quê, có người đi tìm chỗ mới mưu sinh. Giờ còn mình tôi ở đây, nhiều lúc lủi thủi thấy cô đơn quá” – anh Hoàn nói.

Vừa chạy cuốc xe ôm về đến, anh Phạm Thành Lũy (39 tuổi, công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, TP.HCM) tranh thủ ăn vội ổ bánh mì. Anh cho biết ở đây giá rẻ, ổn định, mọi người coi nhau như người thân. Gắn bó với nơi đây được 12 năm, lần đầu tiên anh thấy dãy trọ quạnh hiu như vậy.

“Bây giờ một tuần chỉ làm bốn ngày, tôi tranh thủ lúc rảnh chạy xe ôm công nghệ kiếm thêm thu nhập trang trải qua giai đoạn khó khăn”, vừa nói xong, anh cất vội ổ bánh mì ăn dở, rồ ga đi đón khách vừa đặt xe.

Hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp

Trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung một số giải pháp để hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp.

Cụ thể là nắm bắt thông tin tuyển dụng lao động, kết nối người lao động đến các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng để duy trì việc làm cho người lao động.

Bên cạnh đó, chúng tôi tổ chức các phiên sàn giao dịch, kết nối với các bên liên quan để đảm bảo cung – cầu lao động. Tổ chức cho người lao động được gặp gỡ, tư vấn, thực hiện kịp thời các chính sách bảo hiểm thất nghiệp như trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề…

Chúng tôi cũng hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp ngừng sử dụng lao động rà soát, áp dụng đủ, đúng các chính sách cho người lao động như hợp đồng, quy chế của doanh nghiệp… nhất là tiền lương, thưởng, các chế độ phúc lợi khác theo đúng quy định pháp luật.

Bà HUỲNH LÊ NHƯ TRANG, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM

By admins